“ANH TRAI VƯỢT NGÀN CHÔNG GAI” – TẠI SAO CHIẾM ĐƯỢC CẢM TÌNH KHÁN GIẢ?

Trước khi theo dõi chương trình, bản thân mình cũng là một trong số nhiều người không kỳ vọng vào game show tại Việt Nam sẽ một lần nữa tạo ra bùng nổ, giống như cách Rap Việt mùa 01 đã được từng làm trước đây.
 
Nhưng rồi, mọi thiên kiến của mình bị dập tắt hoàn toàn sau khi xem những hình ảnh, nghe những thanh âm đầu tiên của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”.
 
Xét trên góc nhìn truyền thông, thật không khó để nhận ra sự trùng hợp về thời điểm phát sóng của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” (ATVNCG) và “Anh Trai Say Hi” (ATSH) là kịch bản lặp lại của “Rap Việt” (RV) và “King of Rap” (KOR) cách đây 04 năm.
 
Rõ ràng, không thể phủ nhận kịch bản này một nữa tạo nên sức hút lớn bởi tính chất đối đầu. Sự căng thẳng leo thang khi hàng loạt pha công kích đến từ “bộ sậu seeding” của cả hai chương trình, họ không ngừng tự bới móc, chỉ trích lẫn nhau từ concept, creative idea, con người (thí sinh, MC, fans) cho đến cả thành viên nhà đài.
 
Trong cuộc đấu súng này, khán giả chính là người đau đầu nhất. Họ bị cuốn vào một nội dung vốn được dàn xếp từ trước để trở thành “thuốc súng”, “mồi lửa” cho những tranh luận luân hồi trên mạng xã hội.
 
Song, sau cùng mọi thứ đang trở về đúng bản chất của nó. “ATVNCG” đã làm rất tốt vai trò của mình khi trở thành “game show quốc dân” được đông đảo thế hệ yêu quý. Trên hành trình đó, họ – những thí sinh và nhà sản xuất đã nỗ lực rất nhiều để gặt hái thành công.
 
Với tư cách người yêu âm nhạc, thấy được cái hay, cái đẹp của chương trình. Trong Podcast này, mình sẽ phân tích chi tiết về game show, nhằm giải đáp câu hỏi nơi đầu bài:
 
“Tại sao “ATVNCG” chiếm được cảm tình của khán giả?”
 
Sẵn sàng chưa?
 
 
 
Trên truyền thông, Tổng giám đốc YeaH1 đã từng chia sẻ về câu chuyện “chúng tôi” phải đích thân đi mời, thuyết phục các anh tài tham gia chương trình. Điều này không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thuyết phục. Sâu xa hơn, đó là sự “bảo chứng niềm tin” cho chất lượng chương trình, uy tín của Ban lãnh đạo, đội ngũ sản xuất.
 
Để chiêu mộ 33 anh tài tham gia “ATVNCG”, bà Vân Hạnh đặt ra bốn tiêu chí quan trọng như sau:
 
✅ Đầu tiên, những anh tài phải là người có giá trị, ghi dấu ấn trong lòng khán giả bằng sản phẩm của họ.
 
✅ Thứ hai, các anh tài phải là có tài năng chính, tài năng phụ, tài lẻ, đa năng (đa nhiệm).
 
✅ Thứ ba, những anh tài phải có trí tuệ, tinh thần lãnh đạo, chỉ số IQ và EQ cao
 
✅ Thứ tư, những anh tài phải có trong mình tinh thần thiếu niên.
 
 
1. Về bối cảnh, thời điểm
 
Có thể nói, sau đại dịch Covid-19, sự thịnh hành của các chương trình giải trí online, từ truyền hình, phim ảnh cho đến cả game show ngày càng trở nên rõ nét.
 
Cần phải nói rõ rằng, chương trình truyền hình tại Việt Nam vốn đã có chỗ đứng từ hơn chục năm trước. Rất nhiều người dân Việt Nam ưa chuộng loại hình giải trí này. Một vài cái tên có thể kể đến như: “Việt Nam Idol”, “Running Man”, “The Remix”, “Tam sao thất bản”, “Rồng vàng”, “Hành khách cuối cùng”, “The Voice”, “Cuộc đua kỳ thú”…
 
Song, sự phát triển của các chương trình này chủ yếu trên truyền hình. Thương hiệu, tiếng tăm của show, nghệ sĩ và người tham gia được khắc ghi trong tâm trí khán giả qua chỉ số rating. Một yếu tố quan trọng mà một lát nữa mình sẽ phân tích ở phần dưới.
 
Dẫn giải như vậy để thấy ngày nay, với thói quen giải trí, học tập, làm việc trực tuyến. Việc các chương trình truyền hình thực tế ngày nay được xem như thịnh hành, được sản xuất quá nhiều là điều bình thường.
 
Nhưng, vì sao sản xuất với số lượng nhiều như thế mà đa số các game show đó vẫn tồn tại được qua ít nhất hai mùa, vẫn được khán giả đón xem? Thậm chí là kéo dài hơn dù cho có phải nhận phản hồi tiêu cực?
 
Đó là bởi, các game show ngày nay đang được hưởng thành quả của những chương trình đi trước. Nói sâu xa hơn, chất lượng từ các game show thế hệ trước đã góp phần định hình thói quen, biến nó thành sở thích của nhiều người dân Việt.
 
Nếu như năm 2015, chương trình “The Remix” đã đem về sự nổi danh cho các nghệ sĩ tham gia bằng việc phát sóng trên truyền hình, nền tảng được khán giả ưa chuộng thời điểm đó. Thì 05 năm sau, mọi thứ đã thay đổi.
 
Năm 2020, khi Rap Việt bùng nổ mở đầu cho xu hướng theo dõi chương trình truyền hình online qua Youtube và các ứng dụng. Ngay lập tức, Rap Việt đã viral khắp mạng xã hội, liên tục leo top trending trên Youtube – phương tiện rất được ưa chuộng để theo dõi các chương trình giải trí.
 
Đối thủ của Rap Việt lúc bấy giờ là King of Rap mặc dù được chiếu trên đài truyền hình VTV3 nhưng cũng không thể so bì về lượt tương tác, chỉ số trên tất cả mặt trận truyền thông.
 
Trở về hiện tại, năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự đối đầu của hai game show là “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” và “Anh Trai Say Hi”. Không chỉ là sự cạnh tranh giữa hai chương trình cùng mang chủ đề chính là về âm nhạc. Song song với đó, đây còn là màn tái đấu giữa các nền tảng phát trực tuyến (Youtube, ứng dụng) và đài truyền hình.
 
Nếu năm 2020, King of Rap được phát sóng trên truyền hình không tạo được tiếng vang bằng Rap Việt được phát trên Youtube. Thì năm 2024 cho thấy kết quả ngược lại, khi “ATVNCG” đạt được lượng rating vượt trội so với “ATSH”. Kết quả này trực tiếp khiến mức độ nhận diện thương hiệu game show phủ sóng rộng rãi tới các thế hệ khán giả thông qua phương thức Worth of Mouth Marketing.
 
Lẽ dĩ nhiên, “RV” hay “ATSH” cũng được phát sóng trên truyền hình bởi đài HTV. Nhưng sau 04 năm, diễn biến kết quả đã khác. Tại sao từ “RV” đến “ATSH” lượt view khủng vẫn tăng đều, các tập vẫn on top trending đầy ấn tượng. Nhưng, kết quả quan trọng nhất là mức độ nhận diện chương trình trong cộng đồng lại thay đổi?
 
Có lẽ, câu trả lời khả dĩ nhất chúng ta có thể tự lý giải: Đó là đối tượng theo dõi chương trình khác nhau. Đài truyền hình VTV đại diện cho miền Bắc, những yếu tố thuộc về truyền thống, họ chuộng theo dõi, cập nhật hầu như mọi thông tin qua truyền hình. Trong khi đó, đa phần người miền Nam hay miền Trung lại thích theo dõi, cập nhật mọi diễn biến online, qua các nền tảng, ứng dụng trực tuyến. Dù sao, với vị thế là đài truyền hình quốc gia thì VTV có độ phủ sóng lớn hơn, và HTV2 bị lép vế hơn về lượt xem trực tiếp trên truyền hình cũng là điều dễ hiểu.
 
Song, sự đối lập về việc theo dõi cả hai chương trình này trên nền tảng, phương tiện nào không quá quan trọng. Đơn giản, đó chỉ là insight của mỗi chương trình, vùng miền, thói quen của khán giả. Các phân tích dưới đây về chỉ số từ nền tảng trực tuyến đến lượt rating đến từ nhà đài sẽ làm rõ hơn các nhận định phía trên.
 
 
Vào tối 29/6, trên nền tảng Youtube ghi nhận tập 3 của “ATSH” có lượt người xem trực tiếp hơn 230.000 người, còn tập 1 “ATVNCG” có khoảng 30.000 người xem trực tiếp.
 

2.1 Theo số liệu từ SocialTrend:

(trưa ngày 02/07/24)
 
Các chủ đề hot nhất trên mạng xã hội trong vòng 24h qua, “ATSH” nhận được lượng thảo luận nhiều hơn “ATVNCG”, với tổng lượng thảo luận lần lượt là 244.770 và 159,460.
 
Chi tiết hơn, “ATSH” có 1.072 bài viết, 126.363 bình luận và 117.337 chia sẻ. Trong khi đó, “ATVNCG” có 671 bài viết, 88.081 bình luận và 70.712 chia sẻ.
 
Đáng chú ý, tổng lượng tương tác của “ATSH” hiện cao hơn gấp gần 3 lần so với “ATVNCG”. Theo đó, “ATSH” thu về 10,49M tương tác, với chỉ số cảm xúc là 0,43 (chỉ số này được tính từ -1 là tiêu cực cho đến 1 là tích cực). Về phía “ATVNCG”, chương trình đang có 3,56M tương tác, với chỉ số cảm xúc là 0,37.
 
Tính đến sáng 5/7, tập 3 “ATSH” xếp hạng 2 top thịnh hành YouTube Việt Nam với 5,2 triệu lượt xem, còn tập 1 “ATVNCG” nhận được 4 triệu lượt xem, xếp thứ 4 trong danh sách thịnh hành.
 
Theo thống kê của SocialTrend (nền tảng đo lường xu hướng mạng xã hội tại Việt Nam), hai chương trình đang là những chủ đề gây “sốt” thời gian này. Từ khi lên sóng, “ATSH” nhận được tổng cộng 752.000 lượt thảo luận. Con số này với “ATVNCG” là 578.000 lượt.
 
Qua các chỉ số trên mạng xã hội, “ATSH” được cho là có sức hút, lượt xem và thảo luận trên mạng xã hội “nhỉnh” hơn “ATVNCG”.
 
Trên thực tế, chương trình “ATVNCG” cũng xác nhận thông tin tập 1 của show đã đạt vị trí số 1 rating trên kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam.
 
⭐ Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh: “Để “đo lường” mức độ gây “sốt” của một chương trình cần chia ra 2 khái niệm: Lượt xem và chất lượng bàn luận của khán giả về chương trình.”
 
Lượng khán giả theo dõi hai chương trình có sự phân hóa rõ rệt.
 
Về lượt xem trên nền tảng Youtube và thứ hạng top xu hướng, “ATSH” đang cao hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì nhà sản xuất của show này là đơn vị có nhiều kinh nghiệm. Những show khác của họ cũng chiếm giữ vị trí cao trong danh sách thịnh hành của YouTube Việt Nam chứ không riêng “ATSH”.
 
Ngoài ra, “ATSH” có nội dung trẻ hơn, đó là tệp khán giả hoạt động mạnh và sôi nổi trên mạng xã hội. Phía “ATVNCG” có rating top 1 trên VTV3 vì họ có tệp khán giả lớn tuổi hơn, thích xem tivi chứ không xem Youtube trên điện thoại thông minh.
 

2.2 Theo số liệu từ kompa.ai:

 
* Về đối tượng khán giả:
(từ 01/04/24 – 04/07/24)
 
“ATSH” thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ tuổi hơn, với 60.74% người tham gia thảo luận ở độ tuổi 18-25, so với chỉ 31.43% của “ATVNCG”. Ngược lại, “ATVNCG” thu hút nhiều hơn sự quan tâm của khán giả trong độ tuổi 26-35 (62.68% so với 37.92%). Điều này là minh chứng cho nhận định chung của nhiều khán giả rằng “ATVNCG” tập trung đưa khán giả đến những hoài niệm qua bài hát quen thuộc làm nên thanh xuân của nhiều người đặc biệt đối với thế hệ 8x, 9x. Trong khi đó, “ATSH” lại có yếu tố mới mẻ sáng tạo khi sử dụng hầu hết các bài hát mới, câu từ bài hát mang hơi hướng gen Z nên đặc biệt thu hút đối tượng khán giả trong độ tuổi này.
 
* Về tỷ lệ đề cập của “ATVNCG” / “ATSH” trong chủ đề thảo luận:
 
– “Các anh”: 34,81% / 31,54%
– “Chương trình”: 28.92% / 28,44%
– “Ca khúc trình diễn”: 22.76% / 26,32%
– “So sánh”: 9,90% / 5,01%
– “Sân khấu”: 2,21% / 5,79%
– “Người dẫn chương trình”: 1,10% / 2,04%
– “Nhà tài trợ”: 0,30% / 0,86%
 
* Về chỉ số tương tác trên mạng xã hội
(tuần 12/08/24 – 18/08/24)
 
“Anh Trai Say Hi”
– Tương tác: 15.984.622

– Chỉ số cảm xúc: 95%
 
“Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”
– Tương tác: 9.242.600

– Chỉ số cảm xúc: 97%
 
Trên kênh Youtube của hai chương trình, chỉ sau một ngày phát sóng, tập 6 của “ATSH” đã có lượng views cao gấp hai lần so với tập 04 của “ATVNCG”.
 
Tuy nhiên, nếu search từ khoá “ATVNCG” trên Youtube, người dùng sẽ được đề xuất video của “ATVNCG” tập 04 và lượt view của tập này đang có sự hỗ trợ của quảng cáo. Nói cách khác, nếu tính đối đầu trên nền tảng số – đặc biệt là Youtube, “ATSH” đang vượt trội hơn “ATVNCG” về lượt xem. Và thực tế là, “ATVNCG” đã phải sử dụng đến chiến thuật chạy quảng cáo để “đua view” với “ATSH”.
 

2.3 Theo số liệu từ VTV:

(tính đến ngày 17/08)
 
Trên truyền hình VTV3 tập 05 “ATVNCG” đạt top 01 rating (7,43) trong khung giờ phát sóng.
 
Trong cả 4 khu vực Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, rating của “ATVNCG” đều vượt qua chương trình đối thủ. Có những nơi rating cao gấp 06 lần, có khu vực show đối thủ hoàn toàn mất tích trên bảng top 10 rating cao nhất.
 
– Các clip hậu trường, clip tiết mục có đính kèm hashtag “ATVNCG” đạt hơn 06 tỷ view trên các nền tảng.
 
– Album của vòng công diễn 01 đứng đầu trên nền tảng Apple Music và iTunes…
 
– Fanpage chính thức đã có khoảng hơn 218 nghìn người theo dõi. Kênh TikTok chính thức của chương trình cũng sở hữu hơn 150 nghìn người theo dõi.
 
– Trong 01 tập phát sóng của “ATVNCG” xuất hiện 20 nhãn hàng nổi tiếng xuất hiện với hơn 30 lượt quảng cáo trong các khoảng thời gian 10 giây, 15 giây.
 
⭐ Tại sao chỉ số rating trên truyền hình đóng vai trò quan trọng:
 
Những chương trình truyền hình thực tế, rating là một chỉ số quan trọng, đây là một đơn vị đo lường khán giả truyền hình, dùng để thể hiện lượng khán giả bình quân trên 1 phút của một phương tiện truyền thông tính bằng % dân số. Rating như công cụ đánh giá phản hồi vì độ chính xác tương đối cao. Đồng thời, các công ty truyền thông cũng dùng nó để tiếp nhận nhận xét từ phía cộng đồng. Những sản phẩm có rating cao còn giúp cho nhà sản xuất và công ty truyền thông chèn thêm quảng cáo, việc này giúp cho họ tăng thêm lợi nhuận và đồng thời giúp tăng độ nhận diện thương hiệu cho nhãn hàng được quảng cáo. Việc “ATVNCG” liên tục đứng top đầu rating trên sóng VTV3 đã phần nào chứng minh độ uy tín, lòng tin của khán giả cũng như các đối tác với chương trình.
 
Việc đánh giá một chương trình có đang đi đúng hướng và thành công hay không không chỉ thể hiện qua những con số xem online. Rating và bảng giá quảng cáo mới chính là những thông số quan trọng nhất chứng minh vị thế của các chương trình. Những thông tin này thường được các agency trao đổi với nhau để chốt quảng cáo. Theo thông báo đơn giá quảng cáo của “ATVNCG”, các nhãn hàng sẽ phải chi trả số tiền từ hơn 68 triệu đồng tới hơn 136 triệu đồng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng cho thời lượng quảng cáo từ 10 giây đến 30 giây khi muốn xuất hiện trong chương trình. Chỉ tính riêng trong tập 5 của chương trình có hơn 20 nhãn hàng xuất hiện với thời lượng khác nhau, ước tính tổng chi phí có thể lên đến 3,2 tỷ đồng.
 

3. Cơ hội quảng cáo cho các nhãn hàng, thương hiệu

🔥 Về lý do “ATVNCG” thu hút được “ông lớn” tài chính là ngân hàng Techcombank, ba yếu tố quan trọng nhất được chỉ ra là:
 
– Nhân vật chính của chương trình (các nghệ sĩ nam trên 30 tuổi).
– Kênh truyền hình phát sóng uy tín của show (khung giờ vàng VTV3).
– Nội dung chất lượng gắn với văn hóa dân tộc.
 
Cả ba yếu tố trên đều chạm đến được tệp khán giả thế hệ 7x, 8x và cả 9x đời đầu. Họ là nhóm khán giả có rất nhiều người có tầm ảnh hưởng và quyền lực trong xã hội. Do vậy, những chia sẻ, bình luận và nhận xét tích cực về “ATVNCG” của họ cũng có sức nặng rất khác so với khán giả gen Z. Và chính nhóm đối tượng này trở thành nhân tố quan trọng tác động đến việc Techcombank trở thành Nhà tài trợ Kim Cương cho “ATVNCG”.
 
Với “ATSH”, các game show đi trước bao gồm “Rap Việt” và “The Mask Singer” cũng có riêng cho mình những nhà tài trợ chính được khán giả “nhớ mặt điểm tên” sau mỗi chương trình. Với “Rap Việt” là Pepsi và Lays, còn “The Mask Singer” là Ngân hàng VIB. Chính vì thế, không quá lạ khi “ATSH” cũng tiếp bước các game show đi trước, có cho mình một nhà tài trợ chính, đồng thời kết hợp với nhiều thương hiệu thời trang bên ngoài, như cái cách mà Dirty Coins đã đồng hành cùng “Rap Việt mùa 3” vừa qua.
 
Với những cái tên cùng nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam, bảo chứng cho chất lượng cùng quy mô của mỗi chương trình, “ATVNCG” cùng “ATSH” đều có cho mình những nét riêng mà không bên nào có được, từ đó mang đến sự cạnh tranh đầy thách thức nhưng cũng không kém phần thú vị cho khán giả xem hình.
 
Làm thế nào để “ATSH” và “ATVNCG” nhận được tài trợ từ các nhãn hàng lớn? Các chỉ số phân tích dưới đây sẽ cho bạn biết một phần lý do.
 
3.1 Mức độ phù hợp với thương hiệu tài trợ, chiến lược của thương hiệu tài trợ (Brand Sponsorship Strategy & Relevance)
 
3.1.1 Độ phủ (Effectiveness on reach/Awareness)
 
🔥 Mức độ chiếm sóng và phổ biến của chương trình
 
Theo báo cáo của YouNet Media, tính đến giữa tháng 08, “ATSH” có lợi thế lớn hơn trên tất cả các mặt trận truyền thông (trích dữ liệu từ Google Search Interest và Social Listening và bảng xếp hạng Youtube Top Trending).
 
Trong khi đó, “ATVNCG” cũng khẳng định được chất lượng về mặt nội dung (đạt top 01 rating VTV3) và có một lượng fan trung thành yêu thích chương trình (mặc dù tệp khán giả này không có thói quen “cày view”, đẩy tương tác).
 

3.1.2 Khả năng viral, duy trì độ hot và thảo luận trên social

 
🔥 Điểm tương đồng trong chiến lược Marketing của Vieon và YeaH1:
 
Marketing đa kênh, tận dụng hệ sinh thái có sẵn và hợp tác với các cổng thông tin giải trí nhiều người theo dõi.
 
Chia nhỏ nội dung show thành các nhiều clip ngắn để dễ lan tỏa, viral trên các nền tảng mạng xã hội (YouTube Shorts, FB Reel/Watch, TikTok). Duy trì tần suất và độ thảo luận bằng việc đăng tải đa dạng nội dung video ngắn để không gây nhàm chán, mà vẫn phù hợp với xu hướng ưa chuộng content của khán giả trẻ.
 
Ngoài nội dung show chính (chuyên nghiệp, nghệ thuật, công phu), cả 2 chương trình đều xây dựng các tuyến nội dung bên lề khác (spin-off series) theo hướng chân thực, ghi lại khoảnh khắc cuộc sống, cập nhật trực tiếp hành trình/lịch trình các anh trai/anh tài, khai thác mối quan hệ tương tác thân thiết của anh em và đội nhóm.
 
Chú trọng các yếu tố bất ngờ, “drama” và cao trào trong tình tiết các tập để thu hút người xem và thúc đẩy tranh luận (chia tay thành viên, kết quả chương trình, thứ tự xếp hạng…).
 
Cả 02 đơn vị sản xuất đều tận dụng tối đa các kênh có sẵn trong nền tảng của mình, kết hợp một số trang tin chuyên về âm nhạc, giải trí để đưa tin và cập nhật chương trình.
 
Tần suất đăng bài trên kênh fanpage chính thức của chương trình đều dày đặc, liên tục trước/trong/sau ngày phát sóng với đa dạng nội dung, khai thác nhiều khía cạnh của anh trai/anh tài (tính cách, tương tác giữa các anh, phần trình diễn, tiểu sử…) nhằm duy trì độ thảo luận, tương tác và tạo chủ đề liên quan cho khán giả. Bản thân các anh trai/anh tài và fandom của họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu chương trình, kêu gọi ủng hộ và theo dõi thông qua các Fanpage và hội nhóm.
 
Có một điều không thể phủ nhận là chất lượng nội dung và sản phẩm phẩm âm nhạc từ các anh trai/anh tài của cả 2 show đều đang rất tốt. Xem show, chúng ta đều thấy được sự tài năng và cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ. Cả 2 chương trình đã thành công ghi lại “quá trình thành hình” của sáng tạo nghệ thuật, nơi các anh phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, khóc cười qua nhiều cung bậc. Chính sự cống hiến của các anh trai/anh tài đã giúp khán giả chăm chú dõi theo, cổ vũ, bày tỏ lòng yêu mến các tác phẩm và dành nhiều tình cảm hơn cho chương trình.
 
Với sự đầu tư trang phục, sân khấu, tập trung dòng nhạc trẻ (Dance, Rap, EDM…), vũ đạo đẹp và sở hữu nhiều gương mặt trẻ hot nhất hiện nay như HIEUTHUHAI, Negav, Rhyder, Erik, Atus… Màn biểu diễn của “ATSH” thắng thế trên các nền tảng YouTube, TikTok, Facebook cũng là điều dễ hiểu.
 
Ngược lại, với quyền lực truyền hình – mặc dù khó đo đếm hơn ở nhóm khán giả “chất lượng, giàu có” không có thói quen cày view, đẩy top video – nhưng “ATVNCG” vẫn khẳng định sức hút của các anh tài với nhóm đối tượng này bằng tỉ suất rating ổn định và duy trì top 1 rating VTV3 theo tuần.
 
Xét về đường dài, với sự đa dạng về tài năng, tính cách, màu sắc âm nhạc của các anh tài, “ATVNCG” sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ để tạo sự bứt phá lớn hơn.
 

4. Cơ hội mở rộng, phát triển Concert

Những năm trở lại đây, âm nhạc vẫn tiếp tục thống trị sở thích giải trí của khán giả toàn cầu. Khảo sát mới đây của AAA và Bread Financial (Mỹ) cho thấy, 37% khán giả Gen Z và 39% Millennials đã chi 500-5.000 USD (12-120 triệu đồng) chỉ để săn vé đến các sự kiện âm nhạc. Tại Việt Nam, VISA cũng tiết lộ, 41% người dùng chi tiền du lịch trong và ngoài nước chỉ với mục đích tham dự concert gặp thần tượng, đứng thứ 2 toàn Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2023.
 
Khai thác cách thức tiếp thị hiệu quả này, nhiều thương hiệu lớn đã lựa chọn đồng hành với các show âm nhạc thực tế, tạo nên cuộc cạnh tranh sôi nổi chưa từng có trên sóng truyền hình Việt Nam. Cái tên khởi đầu cho xu hướng trong ngành ngân hàng tài chính phải kể đến VIB, với những sự kết hợp đình đám cùng “The Masked Singer”, “Let’s Feast Vietnam”… và mới đây nhất là “Anh Trai Say Hi”.
 
Show âm nhạc thực tế là cách truyền tải thông điệp hiệu quả để đưa thương hiệu đến gần giới trẻ. Do đó, các chương trình thực tế mà VIB lựa chọn đồng hành thường có điểm chung là format sáng tạo, mang đến làn gió mới lạ, trẻ trung, hiện đại và dẫn dắt được thị hiếu khán giả truyền hình.
 
Quan sát qua nhiều show, có thể thấy cách làm của VIB liên tục đổi mới sáng tạo qua từng chương trình. Chẳng hạn, nếu thành công của năm 2022 – 2023 đến từ việc “bắt trend” tài trợ “The Masked Singer” với bản quyền được mua từ show ăn khách của Hàn Quốc, thì “Anh Trai Say Hi” lại là bước đi “tạo trend” đầy thú vị của VIB.
 

5. Tại sao “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” chiếm được cảm tình của khán giả?

5.1 Bốn lý do chính
 
Những cú bứt phá thay đổi cục diện này chính là sự tổng hợp của nhiều lý do, khía cạnh.
 
⭐ Đầu tiên, yếu tố khiến chương trình ghi điểm với công chúng chính là “phiên bản gốc” chứ không vay mượn chất liệu hay ý tưởng. “ATVNCG” là phiên bản Việt hóa từ show truyền hình ăn khách “Call Me By Fire” của Trung Quốc. Theo format cuộc thi, 33 nghệ sĩ nam trên 30 tuổi sẽ tạo nên chân dung chân thực nhất của mỗi người, vượt qua giới hạn an toàn, chinh phục những thử thách chông gai, khẳng định thế mạnh bản thân. Qua đó chọn lựa ra 17 “Anh tài” để thành lập 01 gia tộc.
 
⭐ Thứ hai, chương trình chạm đến cảm xúc của khán giả vì sự chân thành, không quá ồn ào thị phi, mọi thứ vừa vặn để khiến khán giả tự do bàn tán, chiêm nghiệm.
 
Mình ấn tượng với chia sẻ của hai anh tài Bằng Kiều và Phạm Khánh Hưng trong vòng Concert nhất. Họ đã bộc bạch tâm tư lẫn lý do tham gia chương trình rất chân thành.
 
Những anh tài đã bỏ đi vai vế là bậc đàn anh của mình để cởi mở đón nhận những giá trị tích cực mới. Họ mang trong mình những mảnh đời, thân phận khác nhau. Từ ca sĩ, diễn viên hài, nhiếp ảnh gia, rapper, đến cựu danh thủ, võ sĩ… Mỗi người mang đến chương trình một câu chuyện khác nhau với chất riêng, tài năng được thể hiện đúng với cái tôi riêng bản, không bị gò bó vào khuôn phép nào. Ở họ chỉ có một điểm chung là mong muốn được tỏa sáng, phá giới hạn bản thân, được ca hát một cách nghiêm túc và mong khán giả công nhận. Thông qua những chia sẻ trên sân khấu, lẫn các video tập luyện ở hậu trường, khán giả phần nào thấu hiểu hơn những góc khuất trong cuộc đời người nghệ sĩ. Ngoài ra, việc cùng sinh hoạt ở nhà chung còn gửi gắm thông điệp về một lối sống tích cực, chan hòa giữa người với người.
 
Game show nào cũng có “người đi kẻ ở”. Song, “ATVNCG” đem đến trải nghiệm mới cho khán giả khi họ không muốn bất kỳ ai phải rời đi, cũng không có người chơi nào bị ghét bỏ. Ai rời cuộc chơi cũng là một sự tiếc nuối. Anh tài khóc, khán giả cũng khóc… Đây chính là một thành công của chương trình, thành công trong việc dùng những chất liệu tự nhiên nhất, không sắp đặt, không cố đẩy lên cao trào theo hướng tiêu cực, dùng trái tim để chạm đến trái tim, dùng chân thành đổi lấy chân thành.
 
⭐ Thứ ba, “ATVNCG” xuất sắc trong việc truyền tải những câu chuyện thế hệ, không chỉ thông qua giao tiếp giữa thế hệ đi trước như Hồng Sơn, Bằng Kiều, Tự Long với thế hệ kế cận. Đó còn là cách họ lồng ghép trong những tiết mục phục vụ công chúng. Từ việc đưa ra những chủ đề, chọn lựa bài hát, màn xử lý lên ý tưởng sân khấu, biểu diễn của các anh tài đều là sự giao thoa giữa cũ và mới, quá khứ và hiện tại.
 
Không chỉ dừng lại ở tính chất một game show mang tính giải trí, ở chương trình còn lan tỏa lòng yêu nước, sự tự hào về những đóng góp của thế hệ đi trước. Điều này được thể hiện qua tiết mục “Áo mùa đông & Trở về” của Nhà Xương Rồng. Sau khi nhận đề bài này, các anh tài đã nhờ sự tư vấn của NSND Tự Long và được đàn anh giải thích, và Duy Khánh – thủ lĩnh của Nhà Xương Rồng cho biết như được truyền được cảm hứng mạnh mẽ, hiểu rõ hơn về những thời khắc lịch sử của đất nước.
 
Anh đã chia sẻ: “Tôi thấy mình được khai sáng nhiều thứ, hình dung cảnh ông cha ta ngày xưa, thấy bản thân dâng lên niềm tự hào”.
 
⭐ Thứ tư, một yếu tố khác góp phần quan trọng giúp “ATVNCG” chinh phục khán giả là giá trị nhân văn. Ở tập 06, Jun Phạm mang đến câu chuyện về những bệnh nhi mắc bệnh tim và luôn có khao khát được sống thông qua tiết mục “Nếu Một Mai Tôi Bay Lên Trời”. Nam ca sĩ đã mời “người thật việc thật” là Lê Trí Kha, em bé từng trải qua 2 cuộc phẫu thuật tim để giành lại sự sống, nhờ vào sự hỗ trợ của Quỹ Nhịp Tim Việt Nam. Trên sân khấu, Trí Kha chia sẻ ước mơ trở thành bác sĩ để có thể “nuôi mẹ và bà”.
 

5.2 Ý tưởng/câu chuyện thuyết phục

Với ý tưởng được phát triển dựa trên câu chuyện “Tinh hoa của tro tàn – Essence of Ashes”, Giám đốc nghệ thuật Vĩ Khang cùng Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư đã thổi hồn vào MV chủ đề của chương trình bằng những hình ảnh đầy gai góc và bứt phá. Bối cảnh quay được dàn dựng tỉ mỉ dựa trên 05 yếu tố: Lửa, Mưa, Cát, Bò Sát, Cực Quang, Ảo Ảnh, tượng trưng cho hành trình gian nan mà các “anh tài” phải vượt qua để tỏa sáng và khẳng định giá trị bản thân.
 
🔥 Đối với các tiết mục solo, đó đều là những câu chuyện riêng biệt được ekip dày công dàn dựng nhằm thể hiện cá tính, bản sắc âm nhạc riêng của mỗi người. Nhờ sự đầu tư chỉn chu này, các anh tài có thể thăng hoa, tự tin tỏa sáng khi đứng trên sân khấu.
 
🔥 Đối với các tiết mục trình diễn nhóm cho các công diễn, Giám đốc nghệ thuật, Đạo diễn và các anh tài dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, chắp bút cho những ý tưởng sáng tạo. Nhờ sự kết hợp ăn ý và tinh thần đồng đội cao, thông điệp của từng tiết mục đều được truyền tải một cách ấn tượng và độc đáo đến người xem.
 
🔥 Song, tất cả các tiết mục đều được đầu tư đúng với nội dung bài hát. Một vài ví dụ có thể kể đến như: “Cô Bé Mùa Đông x Thương Thương Thương, Yêu Yêu Yêu” – Đăng Khôi, “Quả Táo Vàng” – Tuấn Hưng, “Mashup Lột Xác/Chuyện Nhỏ” – Nhà Tái Sinh, “Trống Cơm” – Nhà Sao Sáng, “Mashup Một Lần Dang Dở/Đi Qua Cầu Vồng – Nhà Hát, “Thu Hoài” – Nhà Trẻ…
 
Bên cạnh đó, chương trình rất thông minh khi ngay từ đầu đã lựa chọn nhiều bài hát gắn liền với ký ức tuổi thơ. Một vài ví dụ có thể kể đến như: “Hơn 1000 Năm Sau x Chia Cách Bình Yên” – Quốc Thiên, “Cho em x Đôi Mắt” – Thiên Minh, “Tình Anh Là Đại Dương” – Tiến Luật… Đây chính là điểm chạm nhạy cảm giúp khán giả có thiện cảm với không chỉ chương trình. Hơn hết, nó còn khiến tình cảm của họ gắn kết hơn, họ chú ý hơn vào tiết mục. Lúc này, việc được đầu tư đúng theo nội dung mỗi bài hát, kèm với đó là tính sáng tạo được thể hiện ở các tiết mục không chứa yếu tố hữu hình như: “Anh Nhà Ở Đâu Thế” – Nhóm Đa Sắc, “Giá Như” – Soobin, “Bao Tiền Một Mớ Bình Yên?” – Liên minh Kame… đã giúp “ATVNCG” tạo ra chỉ một mũi tên nhưng bắn trúng đến ba điểm chạm tới tâm trí người theo dõi.
 

5.3 Tính xã hội học

5.3.1 Những hiện thực
 
Một xã hội thu nhỏ đã được tái hiện chân thực trong game show “ATVNCG”. Mọi thứ thật khắc nghiệt. Điểm độc đáo của sự thực này nằm ở chỗ nó thật từ việc loại thành viên cho đến cả trong nội dung bài hát.
 
⭐ Bắt đầu với tập 01, chúng ta có thể thấy khoảnh khắc gặp mặt, mọi người đều dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Các bậc tiền bối như Bằng Kiều, Hồng Sơn, Tuấn Hưng, Tự Long, Phạm Khánh Hưng đều được thế hệ trẻ kính nể. Phép tắc “kính lão đắc thọ”, “kính trên nhường dưới” đều được thể hiện đủ chân thành trong tập này.
 
⭐ Tập 02 cho chúng ta thấy sự công nhận tài năng của thế hệ đàn anh dành cho thế hệ đàn em. Là sự nể phục lẫn nhau giữa những người đồng nghiệp trẻ dành cho nhau. Khán giả có thể thấy điều này rõ nhất thông qua các tập reaction tiết mục.
 
⭐ Tập 03 bắt đầu dẫn khán giả vào vòng xoáy cạnh tranh bằng chiến lược đấu giá giữa các nhà. Lúc này đã manh nha xuất hiện những toan tính ghim người giữa những thành viên để lôi kéo người giỏi về với mình.
 
Toan tính dùng người này thú vị ở chỗ người chơi nghĩ người giỏi sẽ về với người giỏi. Và hiển nhiên chúng ta sẽ là team mạnh nhất. Song, kết quả công diễn 01 đã không diễn ra như người chơi kỳ vọng.
 
Những nhân tố bị bỏ quên như Tiến Luật, Tiến Đạt… lại góp phần tạo nên thành công cho tiết mục của mình. Tác phẩm “Lột xác và Chuyện nhỏ” thực sự là cú hit ngoạn mục xét về chuyên môn âm nhạc, nghệ thuật trình diễn và kỹ thuật dàn dựng.
 
Như vậy, quy luật đầu tiên khán giả có thể nhìn thấy rõ nhất đó chính là: “Lựa chọn người phù hợp quan trọng hơn tìm người giỏi”.
 
Tương tự, sự khốc liệt của các phiên đấu giá bài hát cũng chứng minh những bài hát khó, tưởng chừng như không phù hợp với mình. Nhưng chỉ khi thực sự dấn thân làm và trải nghiệm, chúng ta mới có thể khai phá tiềm năng bản thân. Qua đó, khẳng định sức mạnh tiềm tàng khi phải đối diện với nghịch cảnh.
 
Kể cả khi các đội “sống chết” lựa chọn bài hát mình yêu thích, đôi khi kết quả và phần thể hiện cũng không thực sự như ý. Một thực tế đáng chú ý nữa là, nếu không quyết đoán và lẩn tránh số phận, kết quả nhận về sẽ không thực sự như ý. Tiết mục của Nhà Kaka là ví dụ cho sự chần chừ. Còn tiết mục Nhà Xương Rồng là ví dụ điển hình cho việc thiếu định hướng và chỉ chăm chăm trốn tránh sự bất lợi. Nó là biểu hiện của nỗi sợ vô hình, sợ những thứ bản thân không biết.
 
⭐ Từ tập 04 trở đi, mỗi tiết mục biểu diễn như một câu chuyện đích thực. Đặc biệt, trong công diễn 02 được chiếu ở tập 05 và 06, sự sáng tạo được “x-part” ở chỗ hai tiết mục của một liên minh được kết nối thành một câu chuyện xuyên suốt.
 
Và, giữ đúng tinh thần chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc. Trong những tập có đêm công diễn, nơi âm nhạc là chủ đạo, chương trình đã biên tập, hậu kỳ phù hợp để tránh những phân đoạn hội thoại, tập luyện… không quá nhiều. Nhờ vậy, mạch theo dõi của khán giả trọn vẹn hơn, họ dễ dàng cảm nhận được từng tiết mục âm nhạc hơn.
 
⭐ Tập 06 đối với mình là tập định hình cục diện các Nhà lớn ở tập 07. Nó cũng manh nha gợi mở về đội hình cuối cùng gồm 17 gia tộc trong tập số 13.
 
Với các anh tài bị loại trong tập bao gồm: Kiên Ứng, Thành Trung, Huy R. Điều này phản ánh hiện thực gì trong cuộc sống?
 
“ATVNCG” là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc. Sự tham gia của những thành viên không thuộc lĩnh vực âm nhạc giống như gia vị giúp game show này thu hút hơn.
 
Kiên Ứng và Thành Trung không sở hữu kỹ năng liên quan đến âm nhạc. Họ cũng chưa từng hoạt động trong lĩnh vực này. Điều đó đồng nghĩa với việc cả hai người đều thiếu nền tảng căn bản.
Trong cuộc sống, để làm tốt bất kỳ công việc nào, nền tảng là yếu tố tối quan trọng. Nếu thiếu nền tảng, bạn sẽ khó để trụ vững và bền bỉ được với công việc đó.
 
Vậy nên, việc Kiên Ứng và Thành Trung bị loại không có gì lạ. Mặc dù, họ đã thể hiện rất nỗ lực và cố gắng. Song, trong game show thiên về âm nhạc, điều này là không đủ giúp họ cạnh tranh với các nhân tố không những nổi bật hơn mà còn có sẵn nền tảng căn bản. Tương tự, điều này phản ánh sự thật rằng trong xã hội này, chỉ cố gắng thôi là chưa đủ. Bạn cần phải hội tụ nhiều điều kiện hơn để cộng hưởng chúng với sự cố gắng mới tăng xác suất thành công.
 
Với Huy R, mặc dù có background là ca sĩ, thế nhưng sự rụt rè và non trải nghiệm hơn so với 32 người còn lại khiến anh ta phải dừng chân sớm. Điều này lý giải hiện thực rằng, khi một người bình thường hoặc giỏi khi bị đưa vào môi trường có nhưng người vượt trội hơn, việc bị đào thải là điều khó tránh.
 
Nó giống như việc một học sinh học tốt tồn tại trong tập thể lớp chọn, có các học sinh xuất sắc hơn. Như một lẽ tất yếu, người học sinh vốn giỏi kia sẽ trở thành học sinh kém hơn. Và việc bị lu mờ trước những nhân tố nổi bật hơn hẳn, để rồi phải rời đi vì không thể cạnh tranh là điều không tránh khỏi.
 
⭐ Trước khi sang tập 07, hãy cùng mình điểm qua số điểm tổng kết của mỗi Liên minh trong công diễn 02.
 
Trong phần 01 của công diễn 02, hai Liên minh có điểm thấp nhất là Kame (1380) và Cửu Long (1480).
 
✅ Hãy ghi nhớ những cái tên sau đây:
 
– Liên minh Kame: Nguyễn Trần Duy Nhất.
– Liên minh Cửu Long: Kiên Ứng, Huy R (hai người bị loại).
 
Ở công diễn 02, trong phần 02 Liên minh có điểm thấp nhất là Phát Tài (1130). Và sau khi cộng điểm của cả 02 phần, Liên minh có điểm tổng kết thấp nhất là Cửu Long (2710).
 
✅ Hãy ghi nhớ những cái tên sau đây:
 
– Liên minh Phát Tài: Hồng Sơn.
– Liên minh Cửu Long: Thành Trung (đã bị loại), Phạm Khánh Hưng, Đỗ Hoàng Hiệp.
 
Nếu theo dõi kỹ phần chọn người để thành lập thành 04 Nhà lớn ở tập 07, các bạn sẽ nhận ra quy luật sau.
 
Ngoại trừ 03 thành viên Kiên Ứng, Thành Trung, Huy R bị loại theo quy tắc loại người từ Liên minh có điểm tổng kết thấp nhất. Thì, những cái tên còn lại trong những Liên minh thấp điểm nhất, bao gồm: Nguyễn Trần Duy Nhất, Hồng Sơn, Phạm Khánh Hưng, Đỗ Hoàng Hiệp.
 
TẤT CẢ THÀNH VIÊN NÀY ĐỀU KHÔNG ĐƯỢC 03 ĐỘI TRƯỜNG CỦA 03 NHÀ LỚN LỰA CHỌN TRONG TẬP 07.
 
Họ là những thành viên cuối cùng buộc phải về Nhà Mứt Gừng của Bằng Kiều – người trước đó đã bị từ chối bởi 03 người trong phiên chiêu mộ thành viên.
 
Sự thật thú vị này phản ánh điều gì?
 
Mình không biết các thành viên có đủ thời gian, đủ nhớ điểm, nhớ luật để toan tính hay không? Nhưng, sự thật là 04 thành viên thuộc các Liên minh có điểm thấp nhất trong công diễn 02 đã không được bất kỳ Nhà nào lựa chọn để thành lập Nhà lớn cho công diễn 03.
 
Phải chăng, do năng lực của họ không đủ mạnh? Cũng có thể! Hoặc, họ không có sự phù hợp với tính chất Nhà và phong cách âm nhạc, trình diễn của các Nhà còn lại. Đó là còn chưa bàn đến câu chuyện phù hợp trong tư duy, tính cách, quan điểm.
 
Dù với bất kỳ lý do nào, sự thật này đã phản ánh hiện thực rằng những người không phù hợp về nhân sinh quan với nhau, thiếu năng lực và nền tảng sẽ nhanh chóng bị thải loại, dù là vô tình hay cố ý.
 
🔥 Đó cũng chính là tiêu chí hàng đầu trong công việc tuyển dụng nhân sự. Các công ty, tổ chức thường có xu hướng lựa chọn người dựa trên thứ tự ưu tiên sau:
 
(1) Những cá nhân có những phẩm chất phù hợp với văn hóa công ty.
(2) Những cá nhân có tiềm năng có thể đồng hành và thay đổi (theo thời gian) để phù hợp với văn hóa công ty.
 
🔥 Xét về trình độ chuyên môn:
 
(3) Những cá nhân có năng lực phù hợp ngay lập tức với vị trí còn thiếu.
(4) Những cá nhân có năng lực nhưng có bao nhiêu phần trăm phù hợp với tính chất công việc. Thời gian họ có thể điều chỉnh, cải thiện và thích nghi để trở nên phù hợp là bao nhiêu lâu?
 
⭐ Tập 08 của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” đã lột tả hai hiện thực của xã hội hiện đại.
 
(1) Thế hệ những người cao tuổi sẽ bị đào thải, thế hệ trẻ sẽ được ưu tiên để phát triển. Vì sự phồn vinh của xã hội.
 
Điều đáng nói là, dù cho chú Hồng Sơn đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả sau cuối vẫn bị loại. Không phải bởi chú làm không đủ tốt. Mà bởi, chú cần lùi lại, nhường bước cho thế hệ trẻ.
 
Giống như câu chuyện tuyển dụng, thông thường từ 35 đến 40 tuổi trở lên sẽ rất khó để tìm kiếm công việc mới. Lý do chính là bởi độ tuổi này đã không còn đủ linh hoạt để theo đuổi trải nghiệm mới, Sự sáng tạo cũng bị mài mòn, thay vào đó là sự cứng nhắc, đôi khi khó để những nhân sự già này học hỏi theo những người trẻ hơn.
 
Tất nhiên, không phải bất kỳ người nào cũng như vậy và môi trường nào cũng giống nhau. Song, đó là quy luật của xã hội. Trong “ATVNCG tập 08”, Hồng Sơn, Hà Lê đều là những người 40 tuổi trở lên. Dù cho họ có tài, nhưng trước sân chơi này, cơ hội này, sự rộng mở cần được tiếp bước bởi thế hệ trẻ, ở độ tuổi mà họ còn có nhiều thời gian cống hiến hơn.
 
(2) Tại Việt Nam, tình yêu đất nước, tinh thần quê hương luôn được khán giả ủng hộ, lựa chọn nhiều hơn, nếu được đặt cạnh giá trị nghệ thuật triết học.
 
Tiết mục “Thu Hoài” đại diện cho tình yêu quê hương. Tiết mục “Là Anh Đó” đại diện cho giá trị nghệ thuật mang tính triết học.
 
Việc đặt hai tiết mục này ở cạnh nhau gợi mở cho khán giả nhiều suy ngẫm về cuộc sống. Khi xem hai tác phẩm âm nhạc này, mình liên tưởng đến các tác phẩm sách kinh điển là “Suối Nguồn” và “Hai Số Phận”. Điểm chung của cả ba là đều tạo ra bối cảnh xã hội, nơi mà ở đó tinh thần của nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật được đặt ở thế song song, hoặc cùng có thời điểm là đối đầu.
 
Mình sẽ không lạm bàn sâu về ý nghĩa của từng loại giá trị. Thông qua kết quả, chúng ta cũng không bất ngờ khi “Thu Hoài” đã thắng “Là Anh Đó”. Bởi, ở Việt Nam thì những gì gắn liền với dân tộc, quê hương, đất nước luôn được ưu tiên.
 
Nói cách khác, “Thu Hoài” là tiếng nói của chủ nghĩa xã hội, là nơi con người sống, cống hiến vì tập thể, lợi ích chung. Còn “Là Anh Đó” mang hơi hướng của chủ nghĩa cá nhân, chuộng tự do hay phần nào đó là tính ích kỷ. Nhưng, sự ích kỷ trong tình yêu lứa đôi, cụ thể là trong nội dung bài hát và cách thể hiện của tiết mục lại đáng yêu vô cùng.
 

Một nửa gia tộc thực chất đã được định hình từ công diễn 03 và thành hình từ công diễn 04, vì với luật của công diễn 04: “Chỉ có Nhà lớn đạt thứ hạng cao nhất mới được an toàn khỏi bị loại và tiến vào vòng tiếp theo mà không cần xáo trộn lại các thành viên. Trong khi đó, bốn thành viên có thứ hạng thấp nhất trong ba Nhà lớn còn lại sẽ bị loại.”

 
⭐ Tập 10 cho chúng ta thấy sự kiểm soát, ý đồ và mục đích sau mỗi nội dung trong bối cảnh chính trị phức tạp ở đất nước ta hiện nay.
 
Mình sẽ không phân tích các tiết mục “đơn ca” và “song ca”. Thay vào đó chú trọng vào các tiết mục “nhóm” được chương trình lựa chọn, dàn xếp sao cho phù hợp với bối cảnh đất nước.
 
🔥 04 tiết mục nhóm được trình bày tại tập 10, công diễn 04 lần lượt là:
 
Tiết mục “Mưa trên phố Huế” – Perform – Tất cả thành viên đa phần có xuất thân ở miền Tây. Đây là một fact thú vị về tổng thể bài hát hợp lý, hợp lý với nguồn gốc bài hát. (3210)
 
Tiết mục “Đào liễu” – Perform – Đây là một bài thuộc thể loại Chèo cổ (từ miền Bắc) -> chiến thắng vì trong bối cảnh chính trị hiện tại và quá khứ. Tuy chỉ đứng thứ hai với 3020 điểm trong phần bình chọn riêng lẻ. Nhưng “Đào liễu” lại chiến thắng sau cùng trong phần tổng điểm với 6020 điểm.
 
Tiết mục “Dạ cổ hoài lang” – Vocal – Một bài hát quá khó để thể hiện (2910)
 
Tiết mục “Chiếc khăn piêu” – Vocal – Ca ngợi tinh thần tổ quốc, yêu nước. Là bài hát thuộc về vùng núi Tây Bắc do nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác (3010)
 
🔥 Từ điểm số các nhà ta nhìn thấy thực tế gì?
 
Với cá nhân mình, tác phẩm “Mưa trên phố Huế” là tiết mục xuất sắc nhất. Cảm giác mọi thứ đều được kết hợp nhuần nhuyễn và hòa hợp. Đây cũng là tác phẩm có điểm riêng lẻ cao nhất.
 
Hai tác phẩm còn lại là “Đào Liễu” và “Chiếc khăn piêu” đều có thứ hạng cao tiếp theo. Như đã nói, hai tác phẩm này đều có xuất xứ từ miền Bắc, trong bối cảnh chính trị, đề cao chủ nghĩa yêu nước, yêu Đảng, yêu cộng sản như hiện nay thì việc các tác phẩm âm nhạc thuộc về miền Bắc, ca từ đậm chất giáo huấn, khiến người nghe cảm thấy bị giáo dục là điều không khó hiểu.
 
Tác phẩm cuối cùng là “Dạ cổ hoài lang”, điểm thấp nhất nhưng không đồng nghĩa với việc chất lượng thấp nhất. Đây là một trong những tác phẩm kén người nghe, khó để thực hiện với người trẻ. Đội hình Nhà Mứt gừng cũng không phải đội hình tối ưu nhất để thể hiện tiết mục này. Các thành phần không có sự hòa hợp và liên kết, trục trặc ngay từ việc ghép team ở tập 07 cho đến việc đổi thủ lĩnh ở tập 09 xếp hạng áp chót ở công diễn 03 trong tập 08 đã phần nào nói lên vị thế của Nhà. “Dạ cổ hoài lang” mặc dù được coi là đối thủ nặng ký, được các thành viên, khán giả kỳ vọng là tiết mục cho ngôi vương nhưng với đội hình này, thật quá khó để trông chờ họ làm tốt hơn những gì đã thể hiện.
 
Với tiết mục song ca, “Chuyện nhà bé thôi, con đừng về” là tác phẩm có điểm số cao nhất (1440).
 
Sự thật thú vị là từ nhạc sĩ gốc là Kai Đinh cho đến hai nghệ sĩ thể hiện trong “ATVNCG” là Kay Trần và Bùi Công Nam đều là người con miền trong.
 
Giờ thì, hãy nhớ lại tác phẩm nào chiếm điểm số cao nhất ở tiết mục nhóm trong công diễn này?
 
Đó chính là “Mưa trên phố Huế”, một tác phẩm được đa phần các thành viên trong nhóm có xuất thân từ miền Tây thể hiện.
 
⭐ Tập 13 với công diễn 05 không có quá nhiều yếu tố cần thiết để bàn luận. Về phần loại những anh tài cuối cùng, các bạn có thể tự đúc rút qua trải nghiệm cá nhân. Riêng mình thì thấy đáng tiếc cho anh tài Trương Thế Vinh nhất. Bởi xuyên suốt chương trình, anh Trương Thế Vinh đã có những sự chuyển đổi rõ ràng nhất có thể trực tiếp cảm nhận được.
 
Còn nhớ trong công diễn 01, anh Vinh là người tỏ ra cái uy của người có quyền, có tiền và “ăn thua” đủ trong khâu chọn bài hát biểu diễn. Nhưng, kể từ công diễn 03, khán giả đã thấy một Trương Thế Vinh rất khác khi thái độ của anh này dường như không còn quá “hơn thua” như trước. Anh chấp nhận về đội anh Bằng Kiều (Nhà Mứt gừng) trong sự hoan hỉ. Lúc này, có vẻ như anh đã không còn quá câu nệ chuyện thắng thua mà chỉ tập trung vào niềm vui thực sự của chương trình mình tham gia, cố gắng trải nghiệm với tâm thế thoải mái và trọn vẹn nhất.
 
🔥 Tạm kết, với những ca từ đã được thể hiện qua 05 công diễn, thật không quá khi cho rằng, thông điệp, nội dung truyền tải sẽ thâm nhập tốt nhất thông qua con đường âm nhạc. Những “Trống cơm”, “LK Áo mùa đông & Trở về”, “Chiếc khăn piêu”… đã cho khán giả thấy rõ điều đó.
 
Những chương trình giải trí được phát sóng trên truyền thông Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy trong các game show, đặc biệt là game show có yếu tố âm nhạc sẽ luôn luôn có những tiết mục hướng về tổ quốc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, quân đội… Tất cả nhằm tôn vinh lý tưởng và con đường của Đảng và Nhà nước. Và nói thật, cá nhân mình thấy không mặn mà, hay phần nào đó là nhàm chán với “thông điệp chỉ đạo” từ trên xuống này. Vì sao? Vì chính những tiết mục với nội dung như thế này đã chiếm chỗ cho những sự sáng tạo và thể loại khác mà đáng lý ra, nó cần được xuất hiện nhiều hơn.
 
Kể từ năm 2020, vai trò của kiểm duyệt với nội dung các tiết mục trình diễn trở nên khắt khe hơn. Những tiết mục được cho là phản cảm hay đi ngược với thuần phong mỹ tục. Những yếu tố mà vốn trên thế giới cho là bình thường thì khi được du nhập vào Việt Nam lại hóa bất thường. Mình cho rằng, những nội dung mà khán giả đang được thưởng thức trên tivi đang thú vị nhưng sẽ nhanh chóng nhàm chán. Bởi, khi những chất liệu quanh đi quẩn lại bị kìm nén, không được khai thác thêm, những chất liệu cũ được tái sử dụng sẽ mất dần đi tính hấp dẫn. Và có chăng, những thứ sau cuối còn níu chân được khán giả chỉ là sự nâng cấp trong chất lượng âm thanh, sự hào nhoáng của nghệ thuật trình diễn dưới lớp vỏ bọc trống rỗng trong tâm hồn và giá trị, mà thôi.
 
Thêm một yếu tố nữa, đó là những anh tài không chỉ trình diễn cho khán giả tại trường quay, khán giả truyền hình theo dõi. Hơn cả, họ còn trình diễn cho chính những anh tài khác cùng theo dõi trực tiếp. Điều này có ý nghĩa gì?
 
Nếu xem các tập trong series “reaction” của chương trình, bạn sẽ thấy rằng biểu cảm của những anh tài theo dõi các phần trình diễn qua màn ảnh là vô cùng chân thật.
 
Trong game show này, có rất đông anh em nghệ sĩ có chuyên môn cao cùng tham gia. Từ chuyên môn liên quan đến kỹ thuật hát, rap, biểu diễn, trình diễn, nhảy, dàn dựng… Họ xem cách mỗi người thể hiện tiết mục của mình ra sao để học hỏi, đôi khi là phán xét. Sự đánh giá, nhận xét đến từ chuyên môn này vô hình trung là áp lực dành cho các anh tài. Bởi, chinh phục khán giả đại chúng là một chuyện. Nhưng, thuyết phục, chứng minh được tài năng bản thân để dành được sự công nhận từ đồng nghiệp, từ chính những làm nghề lại không phải đơn giản.
 
Vì thế, khi lên sân khấu và trình diễn, các anh tài sẽ có thêm động lực để tỏa sáng và thể hiện hết sức mình. Tất cả nhằm chứng minh năng lực của bản thân đến những anh tài. Rằng tôi là một đối thủ đáng gờm. Tôi là người cũng “rất gì và này nọ” trong lĩnh vực, thế mạnh của mình. Mọi người chớ có coi thường tôi.
 
Trong môi trường này, năng lực chuyên môn thật sẽ được phơi bày mà không bị ẩn giấu dưới lớp vỏ bọc nào. Họ hát trực tiếp, các kỹ thuật được xử lý ngay trên sân khấu và hầu như không trải qua hậu kỳ hay là kết quả từ phòng thu âm chuyên nghiệp. Chính vì thế, ai hay, ai dở điểm nào đều sẽ được bộc lộ hết. Tất nhiên, cái dở, cái hay thì chỉ những anh tài có chuyên môn mới thực sự nhận ra. Còn với khán giả, những phần dở chỉ giống như một cái tặc lưỡi cho qua. Vì dĩ nhiên, khi đã lên sóng thì mọi thứ đều phải đạt đến mức hoàn hảo tối đa, chứ không thể nào kém chất lượng để bị chê bai tơi tả.
 

5.2.2 Tiểu kết

Thời điểm viết đoạn phân tích này, “ATSH” đã dần đi đến hồi kết và “ATVNCG” đã đi qua một nửa chặng hành trình. Mình chợt nhận ra thêm một hiện thực thế này.
 
Một trong những cảm nhận rõ nét nhất của mình khi xem “ATSH” là tinh thần tích cực. Trong các tập, sự tích cực luôn thể hiện dưới nhiều hoạt động, cảm xúc khác nhau, từ game, mảng miếng pha trò, sự hài hước, chọc ngoáy xéo xắt… Tinh thần tích cực này chúng ta nhìn thấy rất rõ ở những người trẻ, đặc biệt là độ tuổi giữa của thế hệ gen Z.
 
Ngược lại, với “ATVNCG” sử dụng những chất liệu như: Lửa, Mưa, Cát, Bò Sát, Cực Quang, Ảo Ảnh, tượng trưng cho hành trình gian nan mà các “anh tài” phải vượt qua để tỏa sáng và khẳng định giá trị bản thân. Rõ ràng, ngay từ vibe của “ATVNCG” đã được xem như không tích cực cho lắm.
 
Song, đó chỉ là bề nổi trong đại dương chông gai mà “ATVNCG” tạo nên. Có lẽ, cho đến khi nghe Podcast này, chính các bạn cũng cảm nhận được sức nóng của cái gọi là không tích cực lắm kia là gì?
 
Đó là cảm xúc tiêu cực khi chứng kiến những anh tài lần lượt bị loại, phải rời xa nhà chung. “Buồn bã”, “đau đớn”, “khóc”… là những cảm xúc được gọi là tiêu cực. Không cần thiết phải chứng kiến cảnh bị chấn thương như trong lúc luyện tập hay những va chạm, tai nạn khác mà có thể khán giả không được thấy. Có lẽ, với chừng đó nước mắt, mà phần nhiều xuất phát từ niềm vui, yêu thương của khán giả dành cho các anh tài, khán giả cũng đã thấu cảm được những xúc cảm tiêu cực.
 
Và đó là khác biệt lớn trực tiếp lý giải cho lý do tại sao số lượng khán giả theo dõi hai chương trình có sự chênh lệch.
 
Bản thân “ATVNCG” đã không thể thu hút nhiều người trẻ theo dõi vì tính chất của nó. Kết hợp với việc game show này được xem như “không vui bằng” “ATSH” khiến lượng người xem lại càng thêm giảm.
 
Đó là hiện thực của xã hội hiện đại. Ngày nay, con người dễ dàng bị cuốn hút vào những niềm vui ngắn ngủi, sự vui vẻ nhất thời mà bỏ quên đi sự chiêm nghiệm và hiểu sâu sắc một vấn đề. Con người ngày nay có sức chịu đựng nỗi đau yếu hơn, mỏng manh hơn. Trong vô thức, họ sẽ tránh né những yếu tố có khả năng làm họ tổn thương hoặc không vui. Mà, với những phân tích ở trên, rõ ràng nếu buộc phải lựa chọn, “ATSH” sẽ là ưu tiêu của người trẻ.
 
Nhưng hãy nhớ, đây chỉ là một lý do vô cùng nhỏ trong giới hạn phân tích về một cấu phần của hai game show, đó là tính xã hội học. Có rất nhiều cấu phần khác mà mình không thể thâu tóm và nhìn nhận cụ thể để đưa ra phân tích. Vậy nên, những thính giả đang lắng nghe hãy nên chỉ xem đây là ý kiến để tham khảo.
 
Thông điệp chính mình muốn truyền tải tới thính giả của Ba Chấm là hãy luôn nhìn nhận các chương trình truyền hình trong tâm thế học hỏi. Với “ATSH”, “ATVNCG” là 02 case study hoàn hảo để các bạn chiêm nghiệm, nhìn nhận nó như một phần tất yếu của hiện thực trong đời sống thật. Đặc biệt, những câu chuyện, diễn biến, tình tiết, sự kiện, hoạt động xảy ra trong “ATVNCG” phản ánh phần lớn về những câu chuyện đang xảy ra hàng ngày trong xã hội của chúng ta. Khi bao bọc bên ngoài là những dấu hiệu tích cực, và chúng ta tưởng chừng như chúng không đáng phải bận tâm. Nhưng, thọc vào sâu hơn, từng bước, từng thước, chúng ta sẽ khám phá được thêm muôn màu sắc thú vị.
 

Tổng kết

1. Chuyện gì đang xảy ra với ngành giải trí, game show tại Việt Nam?
 
Chuyện gì đang xảy ra với ngành giải trí, game show tại Việt Nam? Khi chỉ trong vòng 01 năm, có đến 05 chương trình truyền hình về âm nhạc đồng loạt khai nòng. Đó là “ATSH”, “ATVNCG”, “CĐĐGRS”, “Our Song”, “RV”.
 
Cuộc đấu súng này thật sự quá khốc liệt.
 
⭐ Khán giả có thể thấp thoáng đâu đó thấy được tính chất đặc trưng của 05 chương trình này. Thuộc nhà Vieon, “ATSH”, “RV”, “OS” sử dụng chiến lược dùng KOLs như bàn đạp chủ lực để tăng fame cho chương trình. Còn với “YeaH1”, họ cũng dùng KOLs, nhưng thứ tạo nên điểm khác biệt nằm ở cách họ sử dụng KOLs để làm nổi bật tính nhân văn. Qua đó, trực tiếp gia tăng “reputation” cho chương trình.
 
Song song với đó, chúng ta cũng có thể nhận thấy hai chương trình “ATSH” và “ATVNCG” có tồn tại yếu tố đối lập, giữa một bên là “giá trị vật chất”, bên còn lại hướng nhiều hơn đến “giá trị tinh thần”.
 
Nhìn chung, trong các game show, sự toan tính, thực dụng là điều bắt buộc. Song, nhà sản xuất, đội ngũ biên kịch, thỏa thuận giữa các nghệ sĩ và chương trình như thế nào để sự tính toán ấy trông tự nhiên nhất có thể. Ở đây, khán giả phải là người cảm thụ được cái đúng không thể chối cãi mỗi khi có cao trào (từ việc bị dời lịch phát sóng, người nào bị loại, thứ tự điểm số ra sao…), chứ không phải bị chặn họng để rồi phải nuốt một cục uất ức to tướng, cam chịu tiếp tục theo dõi chỉ vì có thần tượng của mình vẫn còn tham dự.
 
Thêm một đặc điểm nữa, đó là các game show ngày nay rất chú trọng vào việc đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước. Đặc biệt, họ rất chịu khó kết nối với các nước bạn bằng cách mời các ngôi sao quốc tế để tăng giá trị cho chương trình. Từ “RV mùa 03” với Rapper VanDa người Campuchia, “ATSH” có diễn viên người Thái, DJ Alan Walker người gốc Anh cho đến “RV mùa 04” có GK khách mời F. Hero đến từ Thái Lan…
 
⭐ Song, trong một bài viết về game show tại Việt Nam trên trang Advertising Vietnam, họ đặt ra nhận định mở khá thú vị như sau:
 
“Việc mời nghệ sĩ nước ngoài tham gia các game show Việt có thể xem là một chiến lược thông minh để thu hút khán giả. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa tận dụng được sức hút của ngôi sao quốc tế, vừa giữ được màu sắc riêng của chương trình Việt Nam là một bài toán khó đối với các nhà sản xuất.”
 
Với mùa 01 của “ATVNCG”, dường như đây không phải vấn đề. Bởi toàn bộ ekip sản xuất cho đến nghệ sĩ tham gia đều là người Việt Nam. Có thể nói, yếu tố thuần Việt là một trong những nguyên nhân lớn khiến chương trình này được đại đa số khán giả đại chung yêu thích. Không chỉ vậy, yếu tố thuần Việt còn trực tiếp thu hút và giữ chân tệp khán giả lớn tuổi vốn ưa chuộng những giá trị thuộc về truyền thống.
 
Tất nhiên, yếu tố 100% thuần Việt trong “ATVNCG” thực ra chỉ là một fact mình nhận thấy khi theo dõi chương trình. Không có dẫn chứng cụ thể rằng đây thực sự có phải nguyên nhân giúp chương trình thu hút và giữ lửa trong một thời gian dài như vậy hay không. Nhưng dù sao, nếu tận dụng tốt yếu tố này bằng cách nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, trau dồi đạo đức và phẩm hạnh mỗi cá nhân, mình tin rằng, có lẽ sẽ chẳng cần đến yếu tố “sao quốc tế” để làm bàn đạp, thúc đẩy sự thành công của một game show truyền hình.
 
Và, mình dự đoán là nếu “ATVNCG” có các mùa tiếp theo, thì xác suất trong dàn anh tài sẽ có nhân tố quốc tế, hoặc ít nhất là họ sẽ được xuất hiện đâu đó trong chương trình là rất cao.
 
🔥 Game show Việt Nam hiện nay đang gặp hai thách thức lớn:
 
(1) Trình độ quay, chụp vẫn còn yếu, các góc máy vẫn rất truyền thống và hạn chế. Một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này không hẳn thuộc về trình độ chuyên môn, mà do sự hạn chế về không gian trường quay.
 
Bà Vân Hạnh chia sẻ về cơ sở vật chất liên quan đến phim trường đã được YeaH1 đầu tư, cải thiện. Cụ thể, trong một bài phỏng vấn, bà Hạnh nói phim trường 1Studio của YeaH1 có chiều cao trần nhà lên tới 15m. So với chiều cao trần nhà trước đó được ghi nhận tại Việt Nam chỉ cao 10m, thì với 5m hơn đã đủ để các DOP, cameraman thỏa sức sáng tạo, cho ra những khung hình đắt giá nhất.
 
(2) Trước đây, khía cạnh kết nối đa văn hóa dường như bị bỏ quên tại các game show Việt Nam. Mặc dù, một vài chương trình mình biết có mời nghệ sĩ quốc tế tham gia. Nhưng, xét về tư cách thì họ chỉ là khách mời thuần túy. Xét về mặt truyền thông, họ lại không được chú ý quá nhiều để nhiều người biết đến.
 
Song, với những mối giao hảo, mời khách mời quốc tế có chủ đích hơn trong các game show hiện nay, mình tin chất lượng chương trình và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè ngoài nước đang được nâng tầm. Cụ thể, việc mời hai ngôi sao Rapper đến từ Campuchia và Thái Lan, DJ đến từ Anh Quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tăng tính gắn kết ngoại giao giữa hai nước, với sợi dây gắn kết là âm nhạc.
 

2. Một vài dự đoán về game show tại Việt Nam trong tương lai

 
✅ Concert kết hợp Merchandising sẽ tiếp tục thống trị, tạo ra doanh thu, nguồn tiền, phát triển thương hiệu trong lĩnh vực giải trí từ Việt Nam. Các ông lớn thuộc ngành Ngân hàng – Tài chính sẽ tiếp tục đổ tiền vào “miếng bánh béo bở” này, đặc biệt là các ngân hàng đang trong giai đoạn chuyển mình, định vị tới khách hàng trẻ.
 
✅ Khía cạnh đa văn hóa sẽ là chìa khóa cho “ATVNCG” mùa 02 và các game show khác trong tương lai. Thực tế, con đường kết nối Việt Nam ra trường quốc tế thông qua sự kiện hoành tráng, mời các nghệ sĩ nổi tiếng, kết hợp với các đơn vị nước ngoài để hợp tác sản xuất không quá mới. Điều khán giả mong chờ là YeaH1 sẽ làm gì với yếu tố đa văn hóa để khiến nó trở nên sáng tạo, khác biệt và giàu giá trị hơn.
 
Tinh thần dân tộc, yêu quê hương, hướng về gia đình vẫn sẽ được lồng ghép vào trong các game show, thậm chí còn dày đặc và mang tính chiến lược hơn.
 
Vì sao mình nhận định việc này mang tính chiến lược? Bởi đó là thực tế tại Việt Nam, trong thời kỳ xã hội hiện tại. Âm nhạc chính là phương thức thâm nhập hiệu quả, tác động lớn đến tư duy con người trong truyền tải nội dung. Việc kích thích, truyền đạt, hay ghim sâu những tư tưởng trên vào tư duy nhận thức của khán giả trẻ là điều mà “bắt buộc”, “không thể từ chối” mà những đơn vị thực hiện nhận lệnh để thực thi.
 
Dĩ nhiên, với một người trung lập, không thích làm những công việc mà ở đó có quá nhiều mục đích, động cơ tồn tại, thì việc các game show trong hiện tại và tương lai lồng ghép những yếu tố trên là điều mình không tán thành. Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, đúng tình hình thực tế của xã hội và quan trọng hơn cả là đúng với cá tính, bản sắc của mỗi người.
 
✅ Thành lập nhóm nhạc từ game show, tại sao không?
 
Từ “LUNAS” của “CĐĐGRS 2023”, đội hình chung kết 05 thành viên của “ATSH” và sắp tới đây, chúng ta sẽ được biết 17 thành viên của gia tộc trong “ATVNCG 2024” khi chương trình kết thúc. Nhìn vào phản ứng và phản hồi tích cực của khán giả, rõ ràng, vị thế của những nhóm nhạc không chính thống này là khác biệt. Có thể những nhóm nhạc đó không được đầu tư như một nhóm nhạc thông thường. Song, chính sự ủng hộ, tình cảm của khán giả dành cho họ mới là thành quả đáng tự hào nhất.
 

3. Hy vọng mới

Nói nghiêm túc và chân thành, mình khá lo lắng về sức hút của “ATVNCG” nếu có mùa thứ 02 và các mùa tiếp theo nữa.
 
Không phải ngẫu nhiên mà đa số các game show “flop” khi bước sang mùa thứ 02. Dù cho các mùa tiếp theo sau đó có thành công đến mức độ nào đi chăng nữa, chất lượng và kết quả cũng không thể bằng mùa 01. Và dĩ nhiên, mùa 02 vẫn là vết gợn, như một lời nhắc nhở đáng quên về sức hút của game show.
 
Chính bà Vân Hạnh – Tổng giám đốc YeaH1 đồng thời là Tổng giám chế của game show cũng đã thừa nhận trên truyền thông nỗi lo lắng nếu “ATVNCG” có mùa 02, đó sẽ là thử thách, áp lực lớn. Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh đây là thời kỳ khó khăn mà bất kỳ game show nào cũng đều phải trải qua.
 
Nhìn thẳng vào tính chất của “ATVNCG”, cũng như những gì chương trình này đã làm được. Mình tin chắc không quá khó để khán giả nhận thấy các yếu tố làm nên thành công của chương trình bao gồm:
 
✅ Dàn nghệ sĩ được tuyển chọn gắt gao qua 04 tiêu chí. Liệu sang đến các mùa tiếp theo, sẽ có bao nhiêu người đáp ứng được yêu cầu. Hay chính những tiêu chí có giữ được tính ngặt nghèo vốn có của nó hay không?
 
✅ Dàn nhân sự cố vấn, giám sát, âm nhạc, hình ảnh, đội quay phim, hậu kỳ, đội làm nhạc… Khi bộ khung này đã cùng những mảnh ghép chi tiết đã đồng hành cùng sự thành công của mùa 01. Liệu họ có còn sát cánh cùng nhau trong các mùa tới? Nghĩ tích cực, nếu thay đổi có xảy ra và những nhân tố sẽ tốt và tốt hơn những người tiền nhiệm, mọi thứ có lẽ sẽ ổn. Nhưng, nếu điều ngược lại xảy ra thì sao, kết quả sẽ như thế nào?
 
✅ Sự sáng tạo là yếu tố then chốt để làm nên nội dung chất lượng. Hạn chế của các chương trình thực tế mua bản quyền từ nước ngoài là sẽ phải tuân thủ theo concept, format gốc. Thêm vào đó, nhà sản xuất cũng cần suy nghĩ làm thế nào để khi mang một chương trình giải trí từ nước ngoài về phải phù hợp với tính “bản địa hóa” của quốc gia.
 
Tất nhiên, về chiến lược “bản địa hóa”, “ATVNCG 2024” đã làm tốt. Sự sáng tạo đó cần phải được phát huy, làm mới để không cũ kỹ và nhàm chán. Quan trọng hơn cả, là mặc dù tuân thủ theo format gốc nhưng phải đổi mới để chương trình vẫn giữ được sức hút với khán giả. Chẳng nói đâu xa, cứ nhìn cách “RV” trầy trật thế nào để tìm lại hào quang sau mùa 02 bị “flop” nặng nề để thấy vượt quá cái bóng trước đó, làm tốt hơn qua mỗi mùa khó đến nhường nào.
 
Cuối cùng, mình thật sự hy vọng các game show tại Việt Nam dù là mua bản quyền hay tự sản xuất đều có tuổi đời lâu dài. Chứng kiến những “Vietnam Idol” dừng chân sau 07 mùa, trở lại sau 07 năm để rồi vụt tắt nhanh chóng, “Chơi là chạy” – game show “Running Man” phiên bản Việt cũng ngậm ngùi đóng máy chỉ sau 02 mùa phát sóng nghe thật đáng buồn. Và, gần nhất có lẽ phải nhắc đến game show “The Mask Singer” đang có dấu hiệu dừng hẳn sau 02 mùa phát sóng.
 
Tất cả ví dụ trên có lẽ đều sở hữu những đặc điểm chung là sự lạc lối, loay hoay của nhà sản xuất trong việc xác định nội dung, thông điệp cốt lõi muốn truyền tải, định vị tệp khán giả, mục đích phát hành, tầm nhìn chiến lược. Để rồi, khi sự mới lạ, độc đáo, khi những thứ hay ho nhất được thể hiện ở mùa 01 trước đó, tất cả những gì còn lại chỉ là màu nhạt nhòa, không bản sắc, không chất riêng, thiếu điểm chạm và mất kết nối.
 
📌 Một số thông tin được trích từ nguồn:
 
– Brands Vietnam
– Advertising Vietnam
– Các trang báo điện tử trong nước.
 
📌 Viết bài này mình mong muốn chia sẻ kiến thức và hy vọng các bạn sẽ thêm góc nhìn về những thông điệp xã hội mà “ATVNCG” đã thực hiện. Vậy nên, nếu mong muốn re-up, các bạn vui lòng trích nguồn Ba Chấm đầy đủ nhé.

Tác giả

Để lại một bình luận

DMCA.com Protection Status